Menu

Thông báo

Truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 22


Hôm nayHôm nay : 12420

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 162397

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7343892

Quảng cáo


Trang nhất Trang nhất Tin Tức Trang nhất Thông tin - Thông báo

Nhiều Tiến sỹ trẻ và đầu vào tuyển sinh tốt: HAI YẾU TỐ TIÊN QUYẾT

Thứ tư - 10/02/2016 23:27
Từ năm 1995 đến nay, GVCC. NGND. Hồ Sĩ Đàm là một trong những nhà giáo lão thành với nhiều đóng góp cho sự hình thành và phát triển của Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) từ những ngày đầu là Khoa Công nghệ - ĐHQGHN. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày truyền thống của trường, tôi đã có may mắn được trò chuyện với thầy
Từ năm 1995 đến nay, GVCC. NGND. Hồ Sĩ Đàm là một trong những nhà giáo lão thành với nhiều đóng góp cho sự hình thành và phát triển của Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) từ những ngày đầu là Khoa Công nghệ - ĐHQGHN. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày truyền thống của trường, tôi đã có may mắn được trò chuyện với thầy.
Thưa thầy để đảm bảo chất lượng cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường điều gì thầy quan tâm nhiều nhất?
Tại cuộc Hội thảo về định hướng phát triển ĐHQGHN tại Ba Vì năm 2009 tôi có phát biểu đại ý, cần xác định đúng chính xác yếu tố nào là đích thực có tính tiên quyết đến chất lượng cao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn, mấy năm qua khoa CNTT - Trường ĐHCN có được một số  thành tích nổi  trội, hỏi nhờ đâu?  Thường thì trong các báo cáo tổng kết hay có câu trả lời không bao giờ sai là do có đường lối, chủ trương đúng đắn, do chỉ đạo sáng suốt của cấp trên v.v… Những lý do sáo mòn và nhàm chán đó được lặp đi lặp lại năm này sang năm khác. Tôi có nói phải thay đổi tư duy nhìn đúng bản chất, đích thực để có động lực phát triển. Nếu Khoa CNTT thiếu hai yếu tố quan trọng gồm đội ngũ khá đông Tiến sỹ trẻ, giỏi có nhiều công trình đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín và đầu vào tuyển sinh luôn ở tốp cao nhất trong các cơ sở đào tạo CNTT cả nước dẫu có lãnh đạo sáng suốt đi chăng nữa thì liệu có đạt nhiều thành tích, kết quả đầy ấn tượng như bây giờ không? 
Hôm đó, nhiều người chia sẻ có ấn tượng tốt và đồng tình với phát biểu của tôi. Nhận diện đúng yếu tố quyết định là quan trọng nhưng cần có giải pháp thực thi mới là điều quan trọng hơn. Do vậy, sau đó tôi đã viết thành văn bản đề xuất một số giải pháp gửi Giám đốc, Phó Giám đốc ĐHQGHN, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường ĐHCN và Trưởng khoa CNTT.  
Thưa thầy, làm thế nào để trường ĐHCN nói chung và khoa CNTT nói riêng có được một  đội  ngũ Tiển sỹ trẻ đầy tiềm năng như hiện nay?
Có thương hiệu chưa đủ - Phải tạo nguồn: Trường ĐHCN đã có thương hiệu nhưng còn nhiều việc phải làm mới thu hút được các tiến sỹ trẻ về trường nhiều hơn nữa. Nhất là trong bối cảnh giáo dục và đào tạo là môi trường ít hấp dẫn nhiều Tiến sỹ trẻ lập nghiệp. Nhà trường đã tận dụng các quan hệ bạn bè thân quen để quảng bá giới thiệu nhằm thu hút, mời gọi các tiến sỹ mới tốt nghiệp ở nước ngoài về trường. Nhà trường coi trọng đơn giản hóa các thủ tục tuyển dụng, các Khoa linh hoạt trong phỏng vấn tạo môi trường thân thiện ngay từ đầu tiếp xúc. Trường chủ trương tuyển chọn bổ nhiệm các tiến sỹ trẻ có năng lực vào các chức vụ chủ chốt của khoa của trường mà không quá câu nệ tuổi đời, tuổi nghề, đảng viên hay không. Đây là một chủ trương có tầm nhìn để trẻ hóa đội ngũ cán bộ, tạo niềm tin, phát huy năng lực và tâm huyết đóng góp, cống hiến của các tiến sỹ trẻ. Vấn đề khác không kém phần quan trọng là việc tạo nguồn để tuyển dụng người giỏi.  Chủ trương về cán bộ tạo nguồn đã được hình thành từ thời Khoa Công nghệ. Nhà trường tạo điều kiện để nhiều sinh viên giỏi được ở lại trường tiếp tục học tập và tham gia các nhóm nghiên cứu. Môi trường làm việc hiện đại, thân thiện giúp sinh viên có cơ hội phát triển năng lực còn giảng viên có thêm nguồn lực cộng tác trong giảng dạy và nghiên cứu rất hiệu quả. Họ có sự đam mê, nhiệt huyết và năng lực của sức trẻ. Hầu hết các cán bộ tạo nguồn, sau khi bảo vệ tiến sỹ đều trở thành giảng viên trẻ đầy tiềm năng của trường. Đó là một chủ trương mạnh dạn có tầm nhìn.Trường đã có nỗ lực quản lý thông thoáng, hỗ trợ tiến sỹ trẻ để họ có nhiều đề tài nghiên cứu cấp trường, cấp ĐHQGHN, cấp Bộ, Nhà nước. Thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học đó mà số lượng các công trình được công bố ngày càng gia tăng rõ rệt qua từng năm và chất lượng nâng cao, rất có uy tín. Cũng nhờ đó mà thu nhập thực tế của các tiến sỹ trẻ thực sự được cải thiện, giúp họ vượt qua nhiều khó khăn về chuyện ăn, chuyện ở của buổi đầu lập nghiệp, yên tâm chuyên chú cống hiến cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu. 
Thưa thầy, cơ duyên nào để trường ta đặc biệt là Khoa CNTT ngày càng thu hút được nhiều học sinh giỏi vào học?
Có thương hiệu chưa đủ để tuyển sinh tốt - Phải quảng bá: Điểm chuẩn vào ngành CNTT có năm đạt 25,5 điểm, 30 học sinh được tuyển thẳng. Thế mà một vài năm sau đó chẳng hiểu sao số học sinh tuyển thẳng rất ít và điểm chuẩn xuống khá thấp, có năm dưới 20 điểm. Tôi trao đổi với lãnh đạo khoa và trường: Công tác tuyển sinh cực kỳ quan trọng, không quá tự tin mình đã có thương hiệu mà phải chủ động đi đến các trường chuyên có thương hiệu để quảng bá, mời gọi học sinh giỏi. Anh Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng (lúc bấy giờ là Phó Hiệu trưởng) rất tâm huyết đồng tình, và ngày đó đã cho triển khai nhiều đoàn đến giới thiệu về trường ở các trường chuyên, lớp chọn. Tôi vẫn còn nhớ ngày tôi cùng đoàn công tác tuyển sinh của trường đến các trường chuyên ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương để lại nhiều  kỷ niệm đẹp.
Tiếp tục quảng bá: Mấy năm trước thành tích Đội tuyển Việt Nam tham gia Olympic Tin học Quốc tế (IOI VN ) giảm sút, nhiều năm không có huy chương vàng và có năm không có huy chương bạc, có em không đạt huy chương đồng. Nhận ra thế mạnh của đội ngũ Tiến sỹ trẻ khoa CNTT trường ĐHCN tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT đưa đội tuyển IOI VN về tập huấn tại trường ĐHCN. Về phía trường ĐHCN tôi trao đổi với Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Bình, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà và Trưởng khoa CNTT Phạm Bảo Sơn để trường nhận làm đầu mối tổ chức thi tuyển và tập huấn đội tuyển IOI VN, đội tuyển Olympic Tin học châu Á. Tuy công việc sẽ mất rất nhiều công sức, thời gian nhưng qua đó chắc chắn thương hiệu của trường và khoa được quảng bá rất tốt, đúng đối tượng. Các anh chia sẻ với tôi về điều đó. Do vậy, tất cả các đội tuyển  Olympic khác đều do ĐHSP HN làm đầu mối quản lý, riêng Tin học tách ra chuyển về cho trường ĐHCN, ĐHQGHN làm đầu mối quản lý, tổ chức thi tuyển, tập huấn. Trường ĐHCN, Khoa CNTT đã ưu tiên đầu tư mọi mặt về vật chất tinh thần cho công việc. Hằng năm, học sinh được giải quốc gia Tin học các tỉnh thành trong cả nước tề tựu về Trường ĐHCN là đơn vị đăng cai tổ chức thi chọn và tổ chức tập huấn đội tuyển. Thương hiệu, uy tín Trường ĐHCN, ĐHQGHN thêm phần được nâng cao vị thế, tuyển được nhiều học sinh giỏi vào trường  May mắn liên tục mấy năm liền thành tích của IOI VN được cải thiện, ổn định. Vậy là cả hai mục tiêu chung cho đất nước, riêng cho Trường ĐHCN, cho Khoa CNTT được kỳ vọng  đã có những nét khởi sắc.
Nỗ lực được đền đáp xứng đáng: Điểm chuẩn vào trường cao dần lên nhất là của các ngành CNTT, ĐTVT được khôi phục và nâng cao rõ rệt. Số lượng học sinh đạt giải quốc gia quốc tế vào học Trường ĐHCN gia tăng đáng mừng, năm 2014 con số đó chiểm tỷ lệ xấp xỉ 10%. Khoa CNTT tỷ lệ đó còn cao hơn lên đến trên 15%. Ba, bốn năm trở lại đây tất cả các học sinh dự thi Quốc tế Tin học đều vào học ngành CNTT của Trường ĐHCN. Các con số này thật sự rất ấn tượng. Phải mất mười lăm năm phấn đấu của cả trường mới có được các thành tựu quan trọng làm hấp dẫn các học sinh trong cả nước như vậy. Trong đó, phần đóng góp công sức của các thấy tận tụy dành nhiều tâm huyết cho IOI VN là một điểm  sáng  đầy ấn tượng.
Thêm một điểm nhấn quảng bá: Việc chấm thi ở các Olympic Tin học khu vực và quốc tế từ lâu đã được thực hiện tự động hoàn toàn theo theo hình thức chấm trực tuyến (online), đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng. Nhiều nước trên trên thế giới cũng đã sớm áp dụng hình thức chấm điểm rất hiện đại, ưu việt hiệu quả này. Ngay từ năm 2002 thời Khoa Công Nghệ  đã tổ chức thi Lều chõng Olympic sinh viên Tin học toàn quốc, mở đầu cho một hình thức thi hiện đại, hấp dẫn, làm kinh nghiệm cho thi ACM/IPCP sau này. Vì vậy, tôi đã đề xuất  với Bộ GD&ĐT cho thực hiện hình thức thi tiên tiến online này để thi tuyển IOI VN. Năm 2014, tôi rất vui khi được tham gia cùng nhóm của anh Phạm Bảo Sơn soạn thảo văn bản, khảo sát ứng dụng phần mềm tổ chức thi chọn đội tuyển IOI VN và sau đó đã được Bộ GD&ĐT chấp thuận cho triển khai thực hiện tại trường ĐHCN, ĐHQGHN và đã thành công tốt đẹp. Hy vọng từ đây sự mở đầu tiên phong cách chấm thi Tin học của Việt Nam  sẽ hòa nhập với chuẩn mực quốc tế. Ngay sau đó với sự đóng góp quan trọng của anh Hồ Đắc Phương, trường ĐHCN lại chủ trì mở đầu tổ chức kỳ thi ACM/ICPC bậc Trung học Phổ thông. Từ đây hằng năm hàng chục hàng trăm học sinh giỏi Tin học của cả nước tề tựu vài ba lần về Trường ĐHCN với biết bao phấn chấn kỳ vọng. Trường ĐHCN lại có thêm một điểm nhấn quảng bá đầy hiệu quả không chỉ với học sinh, phụ huynh, thầy giáo mà cả các nhà quản lý từ Bộ GD&ĐT cho đến các Sở GD&ĐT các trường chuyên trong cả nước.
Thưa thầy, nhân  kỷ niệm 15 năm ngày  truyền thống Trường ĐHCN- ĐHQGHN thầy có điều gì  suy ngẫm về Trường ĐHCN trong những năm tới?
Cơ hội và thách thức: Trường Đại học Việt - Nhật  thuộc ĐHQGHN đã được thành lập. Từ nay Trường ĐHCN  có thêm một người bạn,  người  anh em mới cùng lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu công nghệ cao đồng hành đầy tiềm năng. Đây một cơ hội để phát triển nhanh. Tuy vậy  khi  cùng lĩnh vực là công nghệ cao nhưng  cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động và nhất là cơ chế điều hành, tự chủ có khác biệt có thể tiềm ẩn thách thức đối với Trường ĐHCN nói chung và với khoa CNTT nói riêng. Hy vọng lãnh đạo nhiệm kỳ mới của Trường ĐHCN sẽ sớm xác lập tư duy chiến lược xứng tầm để phát huy thế mạnh bản sắc riêng của Trường mình cùng với Trường Đại học Việt - Nhật khai thác thế mạnh và cơ hội mới hỗ trợ nhau cùng phát triển để tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh của một trường phái công nghệ cao hiện đại  tiên tiến của ĐHQGHN có vị trí xứng tầm  trong khu vực và quốc  tế.
Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chúc đến Trường ĐHCN và Khoa CNTT sẽ luôn phát triển xứng  tầm với niềm tin, kỳ vọng của biết bao thế hệ sinh viên, giảng viên của tất cả những ai gắn bó thủy chung với khoa, với  trường qua nhiều năm tháng.
Xin trân trọng cảm ơn thầy!                                    
Theo Tuyết Nga (ghi) - Kỷ yếu 15 năm xây dựng và trưởng thành
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Hình ảnh

Video

Văn nghệ

Thời khóa biểu

  • TKB HK2
    TKB Phụ đạo K12Tải về
  • TKB HK1
    TKB HK1 (áp dụng từ ngày 16/3)Nhấn vào đây để tải về